TTO - Một số cây xăng tư nhân tại TP.HCM tiếp tục bán xăng với mức 30.000 đồng, thậm chí 20.000 đồng/lần đổ, trong khi một số cây xăng khác mở cửa nhưng không có nhân viên hoặc thông báo hết xăng trong ngày 9-10.
Ngày 9-10, tình trạng người dân khó mua xăng lại tiếp diễn ở một số tuyến đường tại TP.HCM.
Tại cửa hàng xăng dầu Quang Trung (số 96 Quang Trung, quận Gò Vấp), nhiều người ghé đổ xăng rất bất ngờ khi cửa hàng chỉ bán 30.000 đồng/xe máy và chỉ duy trì một trụ bơm với vòi bơm xăng.
Việc này khiến lượng người đổ xăng ùn ứ, việc bơm xăng chậm cũng khiến không ít người bức xúc.
Mở cốp xe chờ đợi nhưng đến lượt được báo chỉ đổ 30.000 đồng, một phụ nữ luống tuổi đóng rầm cốp xe, rồ ga bỏ đi và nói lớn: "Làm ăn kiểu gì mà chỉ đổ 30.000 đồng, xăng chứ phải kim cương đâu".
Trong khi đó, nhiều người vẫn kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình và chấp nhận chỉ đổ 30.000 đồng khi các nhân viên phân trần "sắp hết xăng, mong bà con thông cảm".
Cách cây xăng này không xa, một cây xăng khác tại số 691 Quang Trung dù mở cửa, các trụ bơm vẫn sáng đèn nhưng người tạt xe vào đều lóng ngóng tìm nhân viên hoặc mở cốp xe chờ. Sau có hai nhân viên nam ngồi sâu bên trong lắc tay ra hiệu không bán nên mọi người bỏ đi.
Tương tự, cây xăng ở địa chỉ 152 Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) vẫn mở cửa, không treo bảng "hết xăng" như trước nhưng không có nhân viên khiến nhiều người tấp vào đều lập tức quay xe ra.
Tại cây xăng số 566 Nguyễn Oanh cũng mở cửa nhưng nhân viên thông báo hết xăng. Bà Nguyễn Thị Thơm (ngụ quận Gò Vấp) bực bội cho biết "mấy ngày nay cứ tấp vào là báo hết xăng".
Trên đường Hà Huy Giáp (quận 12), một cây xăng cũng chỉ bán 30.000 đồng xăng cho người dân. Trong khi tại TP Thủ Đức, có cây xăng chỉ bán 20.000 đồng cho mỗi lần đổ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối xăng dầu cho biết do gián đoạn về nguồn cung, trong đó có ảnh hưởng bão nên việc vận chuyển xăng từ miền Trung vào Nam của doanh nghiệp đầu mối ảnh hưởng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã tìm các nguồn cung khác thay thế, đảm bảo các cây xăng hoạt động cầm chừng. Vị này cũng cho biết hiện các doanh nghiệp đầu mối đều đưa ra chiết khấu thấp, cộng các chi phí vận hành, vận chuyển khiến các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chịu lỗ.
Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác cho biết người dân thường "đổ" cây xăng "găm hàng" nhưng thực tế không có hàng để bán, nếu có cây xăng cũng phải bán lỗ, còn để đóng cửa cây xăng phía doanh nghiệp phải xin phép và phải được Sở Công Thương TP.HCM đồng ý bằng văn bản.
Sản lượng xăng nhập giảm sâu
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương nhận định việc bộ chưa điều chỉnh premium (một khoản chi phí tổng hợp - PV) trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường là "chưa đủ cơ sở và chưa đúng" với diễn biến thực tế thị trường hiện nay.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm có thể do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối. Riêng trong quý 3, xăng nhập khẩu đã giảm 40% so với quý 2 và chỉ có 19/33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu hàng.
Liên quan đến các chi phí kinh doanh, Bộ Tài chính đã có thông báo điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu, sẽ áp dụng vào kỳ điều hành 11-10 sắp tới.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.